Nhân trần cao thang
Nhân trần cao: 20 – 30g (nguyên văn: 6 lạng)
Chi tử: 4 – 10g (nguyên văn: 14 trái)
Đại hoàng: 8 – 10g (nguyên văn: 2 lạng)
Bài thuốc gồm có 3 vị, dùng 1 đấu nước, nấu Nhân trần trước, nấu đến khi nước cạn bớt 6 thăng, cho Chi tử và Đại hoàng vào, tiếp tục sắc đến khi còn 3 thăng nước, lọc bỏ bã, chia làm 3 lần, uống lúc thuốc còn ấm. Sau khi uống thuốc, tiểu tiện sẽ thông lợi, nước tiểu màu đỏ loét giống như nước bồ kết. Một đêm thì bụng giảm, vàng theo nước tiểu ra hết.
Trương Trọng Cảnh: Người bệnh vàng da kinh niên, sau trưa (khoảng chiều chiều) là lúc phát sốt nhưng lại sợ lạnh, đó là vì phòng dục mà sinh bệnh. Bàng quang đau ngặt, bụng dưới đầy, cả người vàng, trên trán đen, dưới bàn chân nóng, nhân đó mà làm bệnh hắc đản. Bụng trướng lên như người bệnh thủy thũng, đại tiện phân phải đen, có khi đi phân lỏng, đó là bệnh nữ lao đản chứ không phải thủy bệnh. Bụng đầy thì khó trị, dùng Tiêu thạch phàn thạch tán mà chữa.
Vưu Tại Kinh: Người bệnh vàng da kinh niên vào lúc sau trưa vốn là lúc người ấy phải phát sốt, nhưng không phát sốt mà lại sợ lạnh, đó là do nữa lao thận nhiệt àm thành bệnh. Bệnh này không giống với bệnh tửu đản, cốc đản.
Tửu đản, Cốc đản là nhiệt tại vị; nữ lao đản là nhiệt tại thận. Vị ở cạn mà thận ở sâu. Nhiệt ở trong sâu thì ở ngoài lại sợ lạnh.
Bàng quang đau ngặt, trên trán đen, dưới bàn chân nóng, đi đại tiện phân đen đều là dấu hiệu của thận nhiệt.
Tuy bụng dưới đầy trướng, có khi như tình trạng bệnh thủy, nhưng thật ra là thận nhiệt mà khí súc tích bên trong chứ không phải tỳ thấp làm thủy không vận hành.
Bệnh này nếu lại kiêm chứng đầy trướng là dương khí bị tổn thương, do đó nói khó trị.
Trong phương thuốc, Tiêu thạch có vị mặn tính lạnh có tác dụng trừ nhiệt; Phàn thạch trừ nhiệt có sẵn lâu ngày ở trong xương tủy.
Xương hợp với thận, nên dùng Phàn thạch để thanh nhiệt của thận.
Uống thuốc chung với cháo Đại mạch, sợ dạ dày bị tổn thương.
Tiêu thạch phàn thạch tán
Tiêu thạch (sao vàng)
Phàn thạch (thiêu)
Liều lượng bằng nhau.
Hai vị thuốc trên đem tán bột mịn, uống 1 lần 1 – 2g (nguyên văn: nhất phương thốn chủy) hòa với nước cháo Đại mạch, ngày uống 3 lần.
Trương Trọng Cảnh: Bệnh tửu đản, trong lòng áo não hoặc trong tim nóng đau, dùng Chi tử đại hoàng thang mà chữa.
Vưu Tại Kinh: Người nghiện rượu có nhiệt tích mà thành bệnh thực, do đó trong lóng áo não hoặc trong tim nóng đau.
Trong phương thuốc, Chi tử, Đạm đậu xị tác dụng trừ nhiệt ở trên; Chỉ thực, Đại hoàng trừ thực ở giữa, cũng là phép thượng hạ phân tiêu.
Chi tử đại hoàng thang
Chi tử: 4 – 8g (nguyên văn: 14 trái)
Đại hoàng: 8 – 10g (nguyên văn: 2 lượng)
Chỉ thực: 4 – 8g (nguyên văn: 5 trái)
Đậu xị: 100g (nguyên văn: 1 thăng)
Bài thuốc trên có 4 vị, dùng 6 thăng nước sắc còn 2 thăng, chia làm 3 lần uống ấm.
Trương Trọng Cảnh: Các bệnh vàng da kinh niên chỉ cho lợi tiểu. Giả như mạch phù nên dùng phép cho ra mồ hôi mà giải nó, dùng Quế chi gia Hoàng kỳ thang mà chữa.
Vưu Tại Kinh: Tiểu tiện thông lợi thì thấp nhiệt trừ mà chứng vàng da tự nhiên hết, cho nên cho lợi tiểu là phép thông trị các bệnh vàng da kinh niên. Nhưng mạch phù, thì tà ở phần biểu, nên giải nó bằng đường mồ hôi, đó cũng là phương thức mạch phù thì cho mửa trước. Vốn không có ngoại phong mà muốn cho ra mồ hôi, thì trong sự phát tán của thang Quế chi phải kiêm vị Hoàng kỳ để làm vững chắc phần vệ. Bệnh được trừ mà biểu không bị tổn thương cũng là trợ chính khí để trục tà khí.
Quế chi gia hoàng kỳ thang

Quế chi: 6 – 10g (nguyên văn: 2 lượng)
Thược dược: 6 – 10g (nguyên văn: 2 lượng)
Cam thảo: 6 – 10g (nguyên văn: 2 lượng)
Hoàng kỳ: 10 – 16g (nguyên văn: 2 lượng)
Sinh khương: 6 – 10g (nguyên văn: 3 lượng)
Đại táo: 12 trái
Bài thuốc trên gồm có 6 vị thuốc, dùng 8 thăng nước sắc còn 3 thăng, uống ấm mỗi lần 1 thăng.
Một lúc sau húp hơn 1 thăng cháo lỏng nóng để trợ dược lực, trùm chăn cho ra mồ hôi dâm dấp. Nếu không ra mồ hôi thì uống thuốc thêm lần nữa.
Trương Trọng Cảnh: Các bệnh vàng da, dùng Trư cao phát tiễn điều trị.
Vưu Tại Kinh: Đây là phương pháp chữa bệnh hoàng đản không có thấp mà có táo. Tham khảo sách Thương hàn loại yếu có viết: “Đàn ông, đàn bà mắc bệnh vàng da, ăn uống không tiêu, dạ dày trướng, nhiệt sinh mồ hôi ra làm vàng áo, đó là vì trong dạ dày có phân táo làm ra thế. Dùng Trư cao phát tiễn để điều trị”.
Bởi vì thấp nhiệt lâu ngày biến thành khô cứng (kiên táo) ví như men ủ, nhiệt lâu ngày thì thấp không còn nữa mà thành khô.
Sách Bản thảo viết: “Mỡ Heo (Trư chi) lợi huyết mạch, giải phóng nhiệt; Tóc rối (Loạn phát) tác dụng tiêu ứ, khai thông chứng quan cách, lợi thủy đạo, cho nên nói bệnh theo đường tiểu mà ra.
Trư cao phát tiễn
Mỡ Heo: 100g (nguyên văn: 0,5 cân)
Tóc rối: 100g
(Nguyên văn: một nùi to như quả trứng gà – 3 quả)
Hai vị thuốc trên hòa vào trong cao mà sắc lên, Tóc rối tan hết là thuốc thành, chi làm 2 lần uống, bệnh sẽ theo đường tiểu mà ra. Sách Thiên kim viết: “Thái y giáo úy sử có người đầy tớ bị bệnh vàng da, uống thuốc này, phân táo trong dạ dày được xổ ra, bèn hết bệnh, rất thần diệu”.
Trương Trọng Cảnh: Bệnh vàng da dùng Nhân trần ngũ linh tán mà chữa.
Vưu Tại Kinh: Đây là phương pháp chính trị đối với chứng thấp nhiệt thành bệnh vàng da.
Trong phương thuốc, Nhân trần có tác dụng trừ thấp nhiệt; Ngũ linh tác dụng lợi thủy, trừ khử thấp.
Nhân trần ngũ linh tán
Nhân trần (tán bột mịn): 10 phần
Ngũ linh tán: 5 phần
Hai vị thuốc trên hòa trộn với nhau, uống trước khi ăn mỗi lần 2 – 4g (nguyên văn: 1 phương thốn chủy), ngày uống 3 lần.
Trương Trọng Cảnh: Vàng da, bụng đầy, tiểu tiện không thông mà đỏ, đổ mồ hôi, đó là biểu hòa lý thực, phải cho xổ. Dùng Đại hoàng tiêu thạch thang.
Vưu Tại Kinh: Bụng đầy, tiểu tiện không thông mà đỏ là do lý thực, mồ hôi tự ra là biểu hòa.
Trong phương thuốc, Đại hoàng, Tiêu thạch có tác dụng hạ nhiệt trị chứng thực nhiệt. So với Chi tử đại hoàng thang và Nhân trần cao thang thì phương thuốc Đại hoàng tiêu thạch thang dược lực tương đối mạnh hơn.
Đại hoàng tiêu thạch thang
Đại hoàng: 6 – 16g (nguyên văn: 4 lượng)
Hoàng bá: 6 – 16g (nguyên văn: 4 lượng)
Tiêu thạch: 4 – 16g (nguyên văn: 4 lượng)
Chi tử: 8 – 12g (nguyên văn: 15 trái)
Bài thuốc trên có 4 vị, dùng 6 thăng nước sắc còn 2 thang, lọc bỏ bã, cho tiêu thạch vào nấu tiếp còn 1 thăng, uống hết 1 lần.
Trương Trọng Cảnh: Bệnh vàng da, nước tiểu không đổi màu, đi tiểu tiện có khuynh hướng muốn tự thông lợi, bụng đầy mà suyễn, không thể trừ nhiệt, nhiệt trừ ắt phải nấc cụt. Dùng bài Tiểu bán hạ thang mà chữa.
Vưu Tại Kinh: Tiểu tiện trong tự thông lợi, ở trong không có dấu hiệu của nhiệt, thì chứng vụng đầy không phải là lý thực, chứng suyễn không phải là khí thịnh. Tuy có vàng da thể nhiệt cũng không thể dùng thuốc lạnh mà công nó. Nhiệt khí tuy trừ nhưng dương khí bị tổn thương, thì ắt phải phát tác làm nấc cụt. Nấc cụt ngưng rồi sau đó mới làm ấm và điều lý trung tạng khiến khí thịnh mà sự vận hành được tráng kiện, thì chứng suyễn đầy được trừ, bệnh vàng da biến mất, chứ không phải bài Tiểu bán hạ thang có thể trị bệnh vàng da. (Tiểu bán hạ thang không phải là bài thuốc chuyên trị bệnh vàng da).

Tiểu bán hạ thang
Bán hạ: 10 – 20g (nguyên văn: 1 thăng)
Sinh khương: 5 – 10g (nguyên văn: 0,5 thăng)
Bài thuốc trên có 2 vị dùng 7 thăng nước, sắc còn 1 thăng rưỡi, chia 2 lần uống ấm.
Trương Trọng Cảnh viết: Các chứng bệnh vàng da có triệu chứng đau bụng đau nôn mửa dùng bài Sài hồ thang.
Vưu Tại Kinh: Bụng đau nôn mửa là bệnh tại Thiếu dương. Tỳ vị bị bệnh thì mộc tà dễ bành trướng; cho nên dùng Tiểu sài hồ thang tẩy rửa tà khí, giảm đau, cầm nôn mửa. Tuy nhiên, thang Tiểu sài hồ không phải là phương thuốc chuyên trị các bệnh vàng da.
Sài hồ thang
(tức Tiểu sài hồ thang)
Sài hồ: 10 – 20g (nguyên văn: 0,5 cân)
Bán hạ: 4 – 16g (nguyên văn: 1 thăng)
Hoàng cầm: 4 – 16g (nguyên văn: 3 lạng)
Nhân sâm: 4 – 16g (nguyên văn: 3 lạng)
Cam thảo: 4 – 16g (nguyên văn: 3 lạng)
Sinh khương: 4 – 16g (nguyên văn: 3 lạng)
Đại táo: 12 trái
Bài thuốc trên gồm có 7 vị thuốc, dùng nước 1 đấu sắc còn 6 thăng, lọc bỏ bã, sắc tiếp còn 3 thăng, chia 3 lần uống ấm.
Trương Trọng Cảnh: Đàn ông bị bệnh vàng da, tiểu tiện tự thông lợi, thuộc chứng hư lao vàng da dùng Tiểu kiến trung thang để điều trị.
Vưu Tại Kinh: Tiểu tiện tự thông lợi, không thể phát vàng da, vì nhiệt theo nước tiểu ra, thì biết đây không phải là bệnh nhiệt, mà là thổ hư nên màu vàng của thổ hiện ra ngoài, nên bổ trung nhưng không thể trừ nhiệt.
Bệnh vàng da nguyên nhân là do thấp nhiệt uất lại, cho nên bệnh ở biểu thì cho ra mồ hôi để phát tán nó, bệnh ở lý thì cho xổ để trừ khử nó. Đó là nguyên tắc chung.
Cũng có trường hợp không thấp mà táo, thì đổi phép thanh lợi làm phép nhuận đạo, như dùng Trư cao phát tiễn mà chữa. Có trường hợp không nhiệt mà hàn, không thực mà hư, thì đổi phép công làm phép bổ, đổi phép hàn ra phép ôn, như phép của Tiểu kiến trung thang. Có trường hợp kiêm chứng xuất hiện không đúng mẫu mực thì phải trị kiêm chứng trước rồi sau đó mới trị bản chứng, như phép trị của Tiểu bán hạ thang và Tiểu sài hồ thang.
Trương Trọng Cảnh luận một chứng vàng da mà dùng các phương pháp chính, biến hư, thực tường tận như thế, sự hiểu biết của ông có thể nói là tuyệt vời vậy.
Ma hoàng thuần tửu thang
(Thiên Kim)
Ma hoàng: 12 – 20g (nguyên văn: 3 lượng)
Bài thuốc chỉ có độc vị Ma hoàng, lấy 5 thăng rượu ngon nấu còn 2,5 thăng, uống hết 1 lần.
Mùa đông dùng rượu nấu, mùa xuân dùng nước nấu uống.
Chủ trị: Vàng da.
Theo Healthplus.vn