Sau đây chúng tôi sẽ đưa ra một số phương pháp bào chế thuốc trong Đông y thực hành, giúp người dùng có thể hiểu rõ và chi tiết hơn về phương pháp bào chế thuốc Đông y.
Phương pháp bào chế

Qua kinh nghiệm phòng trị bệnh lâu đời của Đông y, thuốc phải qua sao, bào, tẩm, chế… mới phát huy tốt hiệu quả điều trị.
Bào chế thuốc Đông dược nhằm mục đích sau:
– Làm giảm bớt chất độc nếu có trong dược liệu;
– Điều hòa lại tính năng của vị thuốc hoặc nhằm đạt một mục tiêu chiến lược nào đó trong phép chữa trị;
– Loại bỏ các tạp chất có hại và những bộ phận không cần thiết để làm tăng độ tinh khiết của thuốc:
– Làm cho thuốc dễ sử dụng và bảo quản khi dự trữ, vì các giống thảo mộc dùng làm thuốc chỉ sinh trưởng có mùa.
Có nhiều phương pháp bào chế, dưới đây chỉ nêu một số phương pháp thường dùng nhất
1. Sao tẩm
Tùy theo yêu cầu cụ thể của từng bệnh mà các vị thuốc được sao, bào, tẩm, chế khác nhau như: sao với Rượu, sao Mật, tẩm nước Gừng sao… Mục đích chung là nhằm cải biến một số tính chất và tăng giá trị sử dụng của dược liệu.
a. Tẩm Rượu sao
Thường dùng rượu 35 – 45 độ tẩm thuốc, để nửa giờ đến 1 giờ cho rượu ngấm đều vào thuốc; sau đó dùng lửa sao thuốc cho đến khi có mùi thơm bốc lên và thuốc khô là được.
Tùy theo dược liệu gọn hoặc xốp mà dùng Rượu ít hay nhiều để tẩm, thông thường cứ 1kg dược liệu cần 50 – 200ml rượu.
Mục đích: Rượu có tác dụng dẫn thuốc lên trên và dẫn thuốc vào đường vận hành của khí huyết trong cơ thể, nên với các bệnh ở phần trên của cơ thể và bệnh phong thấp tê bại thì thuốc thường tẩm Rượu sao. Rượu còn có tác dụng làm giảm tính lạnh của thuốc và tăng sức ấm cho cơ thể, một số chất thuốc khó tan trong nước sẽ tan trong rượu rồi theo nước sắc thuốc vào cơ thể.
b. Tẩm Gừng sao
Gừng tươi đem giã nhuyễn, thêm ít nước vừa đủ, vắt lấy nước Gừng tẩm lên dược liệu, vừa tẩm vửa trộn cho đều; để khoảng 1 giờ rồi đem dược liệu sao nhỏ lửa, sao cho đến khi thuốc có màu vàng, mùi thơm bốc lên là được.
Thông thường, lượng Gừng cần dùng cho 1 kg dược kiệu khoảng 50 – 100g Gừng tươi.
Mục đích: Gừng có vị cay, tính ấm nên giảm được tính lạnh của dược liệu; Gừng còn có tác dụng làm ấm tỳ vị, kích thích tiêu hóa. Riêng với vị thuốc Bán hạ (Củ Chóc), Gừng có tác dụng làm giảm tính độc gây ngứa của Bán hạ.
c. Tẩm muối sao
Hòa dung dịch Muối theo tỷ lệ 1 phần Muối 5 phần nước, tẩm đều lên dược liệu. Để 1 – 2 giờ cho nước Muối ngấm đều vào dược liệu, sau đó đem sao nhỏ lửa cho đến khi thuốc vàng khô là được.
Thông thường 1 kg dược liệu cần khoảng 30 – 50g dung dịch nước muối.
Mục đích: Dùng vị mặn của Muối để dẫn thuốc vào huyết phận, vào tạng thận.

d. Tẩm Giấm sao
Dùng Giấm tẩm đều dược liệu, để khoảng 1 – 2 giờ, dùng lửa nhỏ sao dược liệu (đã tẩm Giấm) cho đến khi thuốc có màu vàng là được.
Nên dùng Giấm nuôi, loại có mùi thơm và hơi ngọt để tẩm thuốc, không nên dùng loại Giấm công nghiệp.
Mục đích: Dùng vị chua của Giấm để dẫn thuốc vào gan, làm tăng tác dụng giảm đau.
e. Tẩm Đồng tiện (nước tiểu trẻ em) sao
Dùng nước tiểu trẻ em trai khoảng 3 – 5 tuổi, người khỏe mạng, không bệnh tật, bỏ những giọt nước tiểu đầu và cuối, chỉ lấy phần giữa. Dùng nước tiểu rưới tẩm lên thuốc từ từ cho đến khi thuốc ngấm đủ nước tiểu, dùng lửa nhỏ sao thuốc (đã tẩm nước tiểu) cho đến khi thuốc khô vàng là được.
Mục đích: Nhằm dẫn thuốc vào huyết phận và tăng tác dụng giáng hỏa của vị thuốc, dùng trong trường hợp âm hư hỏa vượng gây các triệu chứng đau đầu, đỏ mặt, chảy máu mũi…
g. Tẩm Mật (Mật mía, Mật ong) sao
Thông thường dùng Mật mía pha theo tỷ lệ nửa nước nửa Mật tẩm đều lên dược liệu, để một thơi gian cho Mật thấm đều vào dược liệu, đem dược liệu (đã tẩm Mật) sao nhỏ lửa cho đến khi thuốc vàng thơm là được.
Mục đích: Mật là chất dinh dưỡng rất cần cho cơ thể lại có tác dụng làm giảm vị đắng chát, kích thích của một số vị thuốc, làm cho thuốc dễ uống hơn; đồng thời làm tăng hiệu lực bổ và hòa hãn của thuốc (như Hoàng kỳ sao Mật, Cam thảo sao Mật…). Trong một số trường hợp, Mật còn tăng tác dụng chữa ho của một số vị thuốc như Tang bạch bì…
h. Sao với nước vo gạo
Dùng nước vo gạo trộn đều với dược liệu cho thấm, cho vào chảo đun nhỏ lửa, sao đều tay cho thuốc có màu vàng là được. Cũng có thể dùng nước vo gạo tẩm dược liệu 2 – 4 giờ, đem phơi khô hoặc dùng nước vo gạo ngâm thuốc 1 – 2 ngày, phơi khô sao chín.
Mục đích: Làm giảm tính mãnh liệt của thuốc, dẫn thuốc vào tỳ vị.
i. Sao với nước thuốc
Sắc dược liệu lấy nước trộn đều với dược liệu, cho vào chảo sao chín là được. Hoặc dùng nước thuốc nấu với dược liệu, sấy khô hoặc sao khô; như Viễn chí chích nước Cam thảo, Hoàng liên chích nước sắc Cam thảo…
j. Sao với Cám: Trước tiên cho Cám vào chảo sao nóng, sau đó cho thuốc phiến vào đảo đều tay sao cho dến khi thấy thuốc vàng thơm là được. Đem xuống sàng bỏ Cám, lấy thuốc để nguội.
Mục đích: Dùng Cám sao thuốc để giám tính kích thích của thuốc, đồng thời dẫn thuốc vào tỳ vị.
k. Sao với Gạo
Cho gạo vào chảo, phun nước đun nhỏ lửa (văn hỏa) cho gạo dính đáy nồi bốc mùi thơm, cho thuốc vào đảo liên tục đến khi thuốc có màu vàng là được, đem xuống sàng bỏ Gạo, lấy dược liệu; nhừ sao Đảng sâm, Sa sâm, Ban miêu…
Mục đích: Làm dịu tính mãnh liệt của thuốc, dẫn thuốc vào tỳ vị, tăng năng lực bổ dưỡng của dược liệu.
l. Sao với cát
Cho cát sạch vào chảo, đun to lửa (vũ hỏa), cho dược liệu vào sao chín màu vàng, giòn là được, đem xuống sàng bỏ Cát, lấy dược liệu; như sao Xuyên sơn giáp, Mã tiền tử, Thích vị bì…
m. Sao với Cáp phấn
Dùng bột Cáp phấn cho vào chảo, đun to lửa, cho dược liệu vào sao cháy vàng, đem xuống sàng bỏ Cáp phấn, lấy dược liệu, như sao A giao.
n. Sao với Hoạt thạch
Phương pháp thao tác như sao Cáp phấn; dùng sao Tượng bì.
Ngoài các phương pháp sao tẩm trên, trong Đông dược còn dùng một số phương pháp sao tẩm như: Tẩm Sữa, tẩm bột gạch non, đất sét… để sao một số dược liệu.
(Còn tiếp)
Theo Healthplus.vn