Mạch, chứng và cách chữa bệnh vàng da
Trương Trọng Cảnh: Thốn khẩu mạch phù mà hoãn. Phù là phong, hoãn là tê (tý). Tê không phải trúng phong (vì trong Thương hàn luận có câu: “Mạch hoãn nên gọi là trúng phong” nên ở đây nói rõ trường hợp này, mạch hoãn là tý chứ không phải trúng phong), tay chân bứt rứt khó chịu, sắc của tỳ ắt phải vàng, ứ nhiệt (uất nhiệt, tích nhiệt) mà thành.
Vưu Tại Kinh: Mạch phù là phong, mạch hoãn là thấp. Còn ở đây nói mạch hoãn là tê, đó là phong hợp với thấp làm tê (tý), nhưng không phải cái gọi là phong tý đau nhức, cho nên nói tê chứ không phải là phong.
Sở dĩ như thế là vì phong gặp thấp mà biến thành nhiệt. Thấp ứng với tỳ mà đi vào trong. Cho nên chân tay không đau nhưng bứt rứt khó chịu, tỳ tạng ứ nhiệt mà vàng.
Tỳ là cái trục của 4 tạng còn lại, tỳ chuyển vận cái nhiệt mà nó uất ứ đó ra khắp nơi, làm cho tay chân mình mẩy, mặt, mắt đều vàng. Cho nên nói ứ nhiệt mà thành.
Trương Trọng Cảnh: Phu Dương mạch khẩn mà sác, sác là nhiệt, nhiệt thì tiêu cơm, khẩn là hàn, ăn vào thì làm đầy.
Mạch bộ Xích phù là thận bị tổn thương. Phu dương mạch khẩn là tỳ bị tổn thương.
Phong hàn kích bác nhau, ăn vào thì lập tức bị hoa mắt, cốc khí không tiêu, trong dạ dày khó chịu vì có trọc khí. Trọc khí lưu hành xuống dưới, tiểu tiện không thông. Âm bị hàn tà làm bệnh, còn nhiệt thì đi xuống bàng quang, cả người vàng, nên gọi là Cốc đản.
Vưu Tại Kinh: Phu Dương mạch sác là nhiệt, nhiệt đó ở dạ dày cho nên tiêu cơm.
Mạch khẩn là hàn, hàn khí thịnh ở tỳ cho nên sinh đầy trướng và sinh thấp.
Vị nhiệt làm cho tỳ thấp cũng là nguyên nhân của bệnh vàng da.
Mạch bộ Xích phù là thận bị tổn thương, đó là do phong làm tổn thương thận. Thận gặp phong thì sinh nhiệt, tỳ gặp hàn thì sinh thấp, đó cũng là nguyên nhân của bệnh vàng da.
Thấp nhiệt hợp nhau thì khí của nó phải quay về tỳ vị.
Tỳ vị là cơ quan kho lúa gạo. Cơm vào làm trợ nhiệt thì hoa mắt. Cơm không tiêu làm khí ứ thì trong dạ dày khó chịu vì trọc khí.
Trọc khí vị trí của nó là ở hạ tiêu, nếu tiểu tiện thông thì trọc khí theo đường tiểu mà ra. Nay tiểu tiện không thông, thì trọc khí tuy chảy xuống dưới nhưng không ra ngoài. Cho nên âm nhận lấy cái thấp đó, dương nhận lấy cái nhiệt đó, hai cái đó lưu chuyển mà toàn thân vàng hết.
Gọi Cốc đản là bệnh, tuy bắt đầu ở phong hàn, thành bệnh do cốc khí (Cơm nước không tiêu là trọc khí sinh ra làm thành bệnh).
Trương Trọng Cảnh: Trên trán đen, mồ hôi hơi ra, lòng bàn tay bàn chân nóng, gần tối thì phát, bàng quang đau ngặt, tiểu tiện tự thông lợi, tên gọi là Nữ lao đản. Bệnh này bụng đầy căng như phù thũng là không chữa được.

Vưu Tại Kinh: Thận lao mà nhiệt thì màu đen xuất hiện ở trên, giống như tỳ bệnh thì màu vàng xuất hiện ra ngoài.
Bộ phận của trán trên gương mặt là đình. Linh khu nói: “Đình là nhan sắc”. Lại nói: “Thận bệnh thì hai gò má (quyền) và trán đen”.
Mồ hôi ra hơi hơi, đó là cái nhiệt của thận đi lên trên, mà khí thông với tâm. Lòng bàn tay, bàn chân nóng, gần tối liền phát, đó là bệnh tại lý, tại âm vậy. Bàng quang đau ngặt, đó là cái nhiệt của thận bức bách nó. Tiểu tiện tự thông lợi, đó là bệnh không tại phủ.
Đây là do dâm dục quá độ mà bị, nhiệt theo thận mà ra, nên gọi là Nữ lao đản.
Nếu bụng như tình trạng bệnh thủy thì chẳng những âm tổn thương mà dương cũng bị tổn thương nữa. Do đó nói không chữa được.
Trương Trọng Cảnh: Trong lòng áo não mà nóng, không ăn được, thỉnh thoảng muốn mửa, nên gọi là tửu đản.
Vưu Tại Kinh: Áo não lá ý muốn nói uất muộn không yên.
Nhiệt súc tích bên trong thì ăn không được. Nhiệt xung lên thì thỉnh thoảng muốn mửa.
Khí của Rượu hun đốt tâm mà vị của Rượu quy về tỳ vị. Đây là do uống Rượu quá nhiều mà bị bệnh, nên gọi là tửu đản.
Trương Trọng Cảnh: Dương minh bệnh, mạch trì, không dám ăn no, ăn no thì phát phiền, đầu xây xẩm, ắt đi tiểu tiện khó, đó là nó muốn làm bệnh cốc đản. Tuy cho xổ nó rồi, bụng vẫn đầy như cũ. Sở dĩ như thế là vì mạch trì.
Vưu Tại Kinh: Mạch trì, dạ dày yếu thì cơm không tiêu được nhanh. Cơm tiêu không nhanh thì cốc khí uất mà sinh nhiệt, nhưng không phải dạ dày có thực nhiệt, cho nên tuy có cho xổ mà chứng bụng đầy vẫn không hết.
Thương hàn lý thực, mạch trì, còn chưa thể cho xổ huống chi không phải lý thực thì làm sao cho xổ được?
Trương Trọng Cảnh: Ôi bệnh tửu hoàng đản thì tiểu tiện không thông. Chứng hậu của nó là trong tâm nóng, dưới bàn chân nóng.
Bệnh tửu hoàng đản có khi không có nhiệt, tinh thần tỉnh táo, nói năng rành mạch, bụng đầy muốn mửa, mũi khô. Nếu mạch người đó phù thì hãy cho mửa trước, nếu mạch trầm huyền thì hãy cho xổ trước. Bệnh tửu đản, trong tim nóng, muốn mửa thì cho nó mửa ra hết.
Vưu Tại Kinh: Cái thấp nhiệt của Rượu tích tụ ở trong mà không xuống để bài tiết ra ngoài thì làm bệnh tửu đản.
Tích ở trong thì trong tim nóng, rót xuống dưới thì dưới bàn chân nóng.
Bệnh tửu đản thì trong tim phải nóng, cũng có khi không nóng, tinh thần tỉnh táo, nói năng rành rọt thì cái nhiệt đó không tụ ở trong tim, hoặc là theo sự tích tụ ở dưới làm bụng đầy, hoặc theo cái khí xung lên mà làm mửa, mũi khô. Bụng đầy thì có thể cho xổ nó ra. Muốn mửa thì có thể nhân cái thế của nó mà cho nó vọt ra luôn. Đã bụng đầy lại muốn mửa thì có thể xổ cũng có thể cho mửa ra.
Tuy nhiên, xét thấy mạch phù thì đó là tà ở phần phía trên, nên cho mửa trước.
Mạch trầm huyền thì đó là tà ở gần phía dưới, nên cho xổ trước.
Trương Trọng Cảnh: Bệnh tửu đản, cho nó xổ, lâu ngày thành bệnh hắc đản – mắt xanh, mặt đen, trong tim như trạng thái ăn tỏi, đại tiện phân đen thui, da mất cảm giác, mạch phù nhược. Tuy đen nhưng có hơi vàng, nên chẩn đoán là bệnh hắc đản.
Vưu Tại Kinh: Tuy thể lệ bệnh Tửu đản có cho xổ nhưng phải xét đến chứng bụng đầy, mạch trầm, huyền rồi sau đó hãy cho xổ. Nếu không, thấp nhiệt thừa hư hãm vào trong máu biến thành bệnh hắc đản.
Mắt xanh, mặt đên, da mất cảm giác đều là triệu chứng của huyết bị biến đổi và ứ trệ.
Tuy nói là hắc đản, nhưng gốc gác vẫn là ở người nghiện rượu, cho nên nhiệt khí trong tâm hun đốt như trạng thái ăn tỏi, nghĩa là giống như trạng thái áo não không chịu nổi. Vả lại, mạch người bệnh phù nhược, sắc da tuy đen nhưng có hơi vàng, nhưng không phải như nữ lao đản đen thuần mà mạch trầm.
Trương Trọng Cảnh: Bệnh vàng da, phát sốt, phiền khát, ngực đầy, miệng ráo, vì lúc phát bệnh hỏa cướp mồ hôi đi, là sở đắc cuar2 nhiệt (bị 2 nhiệt làm bệnh). Nhưng người bị vàng da, thì do thấp mà nên bệnh, cả người phát sốt mà vàng hết. Bụng nóng là nhiệt tại lý, do đó phải cho xổ.
Vưu Tại Kinh: Phiền, đầy, táo, khát lá bệnh phát do nhiệt, nhưng lại dùng hỏa để điều trị. Vì nhiệt gặp nhiệt, 2 nhiệt gặp nhau, không giải thì phát vàng da.
Tuy nhiên, nếu không phải ở trong đó kiêm thấp tà, thì nhiệt với nhiệt công kích lẫn nhau, nhưng đắng này lại ly tán nhau, thì có bệnh đản nào như thế không? Cho nên nói, người bệnh vàng da là do thấp mà bị bệnh, để thấy rõ rằng bệnh ấy không chỉ nhân thiệt mà bị.
Nhưng nói về việc trị bệnh này, trước tiên phải xem xét nó ở biểu hay ở lý mà thi hành hoặc dùng phép cho ra mồ hôi hoặc dùng phép xổ. Nếu cả người nóng hết mà bụng càng nóng hơn những nơi khác, thì đó là nhiệt ở tại lý. Bệnh ở lý thì không thể giải tán nó bằng con đường phát biểu, cho nên nói là phải cho xổ.
Trương Trọng Cảnh: Mạch trầm, khát muốn uống nước, tiểu tiện không thông, đều phát vàng da, bụng đầy, lưỡi héo vàng (nuy hoàng), táo động không ngủ được: những chứng đó thuộc người bệnh vàng da lâu năm.
Vưu Tại Kinh: Mạch trầm là vị nóng, khó tiết ra ngoài.
Tiểu tiện không thông là nhiệt không theo đường dưới, mà cái nước uống vào vì khát với nhiệt gặp nhau đủ để chưng uất thành chứng vàng da mà thôi.
Mạch của tỳ đến gốc lưỡi, tản mác dưới lưỡi.
Bụng đầy, lưỡi héo là tỳ không vận hành. Tỳ không vận hành là có thấp.
Táo động không ngủ được là có nhiệt.
Nhiệt và thấp kích bác nhau thì làm chứng hậu của bệnh Hoàng đản.
Trương Trọng Cảnh: Bệnh hoàng đản phải lấy 18 ngày làm 1 chu kỳ. Điều trị 10 ngày trở lên sẽ giảm bớt. Nếu bệnh không bớt mà lại nặng thêm thì khó trị.
Vưu Tại Kinh: Thổ thông có địa vị nhất định. Sự thịnh vượng của nó gởi vào 18 ngày cuối của mỗi mùa trong 4 mùa (tứ quý). Màu vàng là màu của thổ khí.
Tổn thương tỳ ở bên trong, cho nên lấy số ngày thổ vượng làm chu kỳ của bệnh Hoàng đản. Bởi vì gọi 18 ngày là tỳ khí tới nên người nào (tỳ) hư sẽ bình phục, tức tỳ vị đã mạnh lên.
Trị nó 10 ngày trở lên là bớt, là tà ở cạn mà chính khí thắng tà khí, cho nên dễ trị. Nếu không, thì tà khí lại thắng chính khí mà nặng thêm, đó là bệnh thắng tạng vậy, cho nên khó trị.
Trương Trọng Cảnh: Bệnh đản mà khát thì khó trị. Bệnh đản mà không khát thì có thể trị được.
Bệnh phát ở âm bộ thì người bệnh sẽ phải nôn mửa, bệnh phát ở dương bộ thì người bệnh lạnh run mà phát sốt.
Vưu Tại Kinh: Bệnh đản mà khát thì đó là nhiệt mới đốt mà thấp ngày một tăng, cho nên khó trị. Không khát thì nhiệt đã giảm mà thấp cũng tự liệu, cho nên có thể trị được.

Âm bộ là tạng phủ ở trong lý, quan hệ đến khí, cho nên nôn mửa.
Dương bộ là bộ phận ở ngoài của biểu, thuộc về hình thể, cho nên lạnh run mà phát sốt.
Đó là sự phân biệt về âm dương, trong ngoài, cạn sâu, nhẹ nặng.
Trương Trọng Cảnh: Bệnh cốc đản nóng lạnh không ăn được, ăn vào thì đầu xây xẩm liền, tim ngực không yên, lâu lâu phát vàng da, là bệnh cốc đản. Dùng Nhân trần cao thang mà chữa.
Vưu Tại Kinh: Bệnh Cốc đản là chứng Dương minh thấp nhiệt ứ uất. Dương minh đã uất, nguồn của vinh vệ ủng trệ mà không thông lợi thì làm nóng lạnh.
Cơ năng kiện vận của tỳ vị bị bế tắc do đó không ăn được. Nếu ăn vào thì trợ giúp cho thấp nhiệt; vì vậy chứng nghịch đầy tăng thêm, sinh chứng đầu mặt xây xẩm, hồi hộp.
Nhân trần, Chi tử, Đại hoàng đắng lạnh thông tiết, khiến thấp nhiệt theo đường tiểu mà ra.
Theo Healthplus.vn